logo

Looking for

it will take a couple of seconds

Địa điểm tham quan hút khách du lịch ở Hội An

Địa điểm tham quan hút khách du lịch ở Hội An

Hội An tuy không quá lớn nhưng có nhiều điểm tham quan nổi tiếng, còn lưu giữ lại dấu ấn kiến trúc và văn hóa của một thương cảng sầm uất cách đây nhiều thế kỷ.

Đến Hội An, du khách có thể tham quan các địa điểm nổi tiếng ở khu phố cổ và một số nơi lân cận với phố cổ Hội An.

  1. Các địa điểm tham quan ở phố cổ Hội An

Chùa Cầu: Là một biểu tượng của du lịch Hội An, chùa Cầu được xây dựng từ cuối thế kỷ 16. Ở giữa cầu có một miều thờ Huyền Thiên Đại Đế, cầu có kiến trúc độc đáo với mái che, họa tiết trang trí kết hợp hài hòa giữa kiến trúc của người Hoa, Việt, Nhật và phương Tây.

Nhà thờ tộc Trần: Nằm trên khu đất rộng 1.500 mét vuông, nhà thờ tộc Trần do một vị quan lớn họ Trần cho xây dựng từ năm 1802 theo quy tắc phong thủy của Trung Quốc và Việt Nam. Nhà thờ tộc tọa lạc ở số 21 đường Lê Lợi là một trong những nhà thờ tộc cổ còn giữ được hình thể kiến trúc nguyên vẹn nhất ở Hội An.

Hội quán Phúc Kiến: Tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng của Thiên Hậu Thánh Mẫu – bà chúa phù hộ cho thương nhân thuận buồm xuôi gió – vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu với sự đóng góp chủ yếu của Hoa kiều tỉnh Phúc Kiến, hội quán trở nên nguy nga, tráng lệ, mang kiến trúc đặc trưng của Trung Quốc.

Hội quán Triều Châu: Được Hoa kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845, hội quán Triều Châu là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người Triều Châu sống tại Hội An. Hội quán có bộ khung gỗ chạm trổ tinh xảo, cùng các họa tiết trang trí bằng gỗ theo truyền thuyết dân gian. Ở hội quán cũng có một số tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ rất đẹp của các nghệ nhân xưa còn lưu giữ lại.

Hội quán Quảng Đông: Nằm ở số 17 Trần Phú, hội quán Quảng Đông được xây dựng vào năm 1885, lúc đầu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử. Sau này đến năm 1911, hội quán chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Hội quán Quảng Đông chủ yếu được xây dựng bằng chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực, đem lại vẻ đẹp độc đáo thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Nhà cổ Quân Thắng: Được coi là một ngôi nhà cổ và đẹp nhất ở Hội An, nhà cổ Quân Thắng được chủ buôn người Hoa xây dựng vào cuối thế kỷ 17, nằm ở số 77 Trần Phú. Toàn bộ kiến trúc và điêu khắc gỗ ở nhà cổ Quân Thắng đều được các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Nhà cổ hiện nay vẫn còn lưu giữ những di vật thể hiện nếp sống và sinh hoạt của tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An cách đây nhiều thế kỷ.

Nhà cổ Tấn Ký: Tọa lạc ở số 101 Nguyễn Thái Học, nhà cổ Tấn Ký được xây dựng cách đây gần 200 năm với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có những chức năng riêng. Mặt tiền của nhà cổ dùng làm cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông ra bến sông để làm nơi xuất nhập hàng hóa từ thương cảng về.

Bảo tàng văn hóa lịch sử: Được thành lập vào năm 1989, bảo tàng Văn hóa lịch sử Hội An hơn 200 hiện vật bằng gốm, sứ, đồng, gỗ, giấy… phản ánh các giai đoạn phát triển của phố cổ – thương cảng Hội An.

  1. Các địa điểm tham quan ven phố cổ

Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An: Nằm ở số 9 Nguyễn Thái Học, xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An có 12 ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời nhất Hội An. Xưởng chủ yếu sản xuất các đồ như: gốm mỹ nghệ, mộc, lồng đèn nghệ thuật, đan nát mây tr, chạm khắc gỗ, dệt vải, thêu thùa, sơn mài…

Làng gốm Thanh Hà: Có nguồn gốc từ Thanh Hóa, làng gốm Thanh Hà được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 15 đến nay. Làng gốm chủ yếu sản xuất và buôn bán các đồ gốm làm từ đất sét như: chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù con vật… Hiện nay, làng gốm Thanh Hà được ví như một bảo tàng sống giúp các nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử ra đời và phát triển của nghề gốm ở Đông Nam Á.

Bãi tắm Cửa Đại: Cách phố cổ Hội An 5 km, bãi tắm Cửa Đại có chiều dài 3 km, được coi là một trong những bãi biển đẹp và thơ mộng nhất miền Trung – Việt Nam. Bãi biển có nước xanh trong vắt, bờ cát trắng mịn chạy dọc theo rừng dừa. Đây là một điểm đến lý thú cho những du khách thích tắm biển và ngắm cảnh.