Vài nét khái quát về Đại Nội Huế
Đại Nội Huế là kinh thành của triều Nguyễn trong suốt 140 năm với 13 đời vua từ năm 1805 – 1945. Hiện nay, Đại Nội nằm ở phường Thuận Thành, thành phố Huế và thuộc quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Được vua Gia Long – đời vua đầu tiên của triều Nguyễn cho khởi công xây dựng từ năm 1805, Đại Nội Huế hoàn thành vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Mặt bằng của Đại Nội được xây dựng theo hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 600 mét, với diện tích 37,5 ha. Tường thành được làm bằng gạch to, cao 4 mét, dày 1 mét. Ngoài thành là hào vây quanh với 10 chiếc cầu đá bắc qua để đi lại. Cổng chính của Đại Nội hướng về phía Nam gọi là Ngọ Môn, phía trước có Cột Cờ và xa nữa là dòng sông Hương.
Đại Nội gồm có Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành là nơi làm việc của vua và hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình nói chung. Được xây dựng từ năm 1804 – 1833 có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt, trong Hoàng Thành có hơn 100 công trình lớn nhỏ khác nhau.
Tử Cấm Thành là vòng thành trong cung của Hoàng Thành, được xây dựng từ năm 1804, là nơi ăn ở, sinh hoạt của vua và hoàng gia. Tử Cấm Thành có hình chữ nhật, chu vi 1300 mét, gồm 50 công trình có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Không gian kiến trúc Hoàng Thành và Tử Cấm Thành có liên hệ chặt chẽ với nhau về sự phân bố của các công trình dựa theo chức năng sử dụng.
Đại Nội Huế là trung tâm hành chính, chính trị của triều đình Nguyễn, có kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hòa độc đáo. Đây cũng là di tích cung đình duy nhất còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam hiện nay.