Làng Cổ Đường Lâm Hà Nội
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia – Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội 50 km được coi là linh hồn làng quê Việt Nam với những ngôi nhà cổ, giếng nước, sân đình… có lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Làng cổ Đường Lâm đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp xưa cũ và đặc trưng văn hóa truyền thống của người Việt. Khi đến đây tham quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc nhà mái ngói đỏ rêu phong, con đường lát gạch quanh co và những bức tường xây từ đá ong độc đáo. Đường Lâm cũng nổi tiếng là mảnh đất 2 vua, với hai đền thờ Ngô Quyền và Phùng Hưng có công lớn trong việc bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm.
Phương tiện đi khi đến Đường Lâm cũng khá đơn giản. Du khách có thể đi bằng xe máy theo hướng đại lộ Thăng Long hoặc quốc lộ 32. Một phương tiện phổ thông khác đó là xe buýt, du khách có thể bắt một trong 3 tuyến: số 70 (bến xe Kim Mã – Sơn Tây), số 71 (bến xe Mỹ Đình – Sơn Tây) hoặc số 77 (bến xe Hà Đông – Sơn Tây) để đến Đường Lâm. Ngoài ra, nếu có điều kiện, du khách có thể đi xe khách hoặc taxi xuất phát từ trung tâm Hà Nội đến làng cổ ở thị xã Sơn Tây.
Khi đặt chân đến Đường Lâm, du khách có thể ghé qua những địa điểm nổi tiếng của khu di tích lịch sử cấp quốc gia dưới đây:
Đình Mông Phụ: Nằm ở khu đất trung tâm, cao nhất làng Đường Lâm, đình Mông Phụ được xây dựng từ thời Lê trung hưng, sau đó được tôn tạo và tu sửa nhiều lần. Trong đình thờ thần Tản Viên là một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.
Đền thờ Phùng Hưng: Đường Lâm chính là nơi sinh ra vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng có công trong việc chống lại sự thống trị của nhà Đường – Trung Quốc. Để ghi nhớ công ơn của vị thủ lĩnh này, người dân đã xây dựng đền thờ ông trên một khu đất cao, xung quanh có bóng cây cổ thụ xanh mát.
Lăng Ngô Quyền: Thời vị vua đầu tiên của nhà Ngô ở Việt Nam, lăng Ngô Quyền nằm cách đền Phùng Hưng khoảng 500 mét. Không gian lăng khá rộng rãi, phía trước mặt là cánh đồng lúa bát ngát. Xung quanh lăng còn có các di tích như: Rặng duối buộc voi chiến của Ngô Quyền, đồi Hùm nơi Phùng Hưng đánh hổ giúp dân.
Chùa Mía: Được xây dựng với quy mô nhỏ từ năm 1632, sau đó được được mở rộng và tôn tạo nhiều lần. Chùa Mía hiện nay lưu giữ số lượng tượng nghệ thuật lớn nhất Việt Nam với 287 pho tượng khác nhau.
Nhà cổ: Đến thăm Đường Lâm, du khách sẽ choáng ngợp với những dãy nhà cổ được làm từ đá tổ ong đến nay vẫn giữ được kiến trúc có từ 400 năm trước. Ngoài ra, du khách cũng có dịp được khám phá thêm nghề làm chum nổi tiếng nhiều gia đình truyền thống còn giữ được đến ngày nay.