Làng nghề truyền thống nổi tiếng quanh Hà Nội
Ghé thăm các làng nghề truyền thống nổi tiếng là điều mà mọi du khách đều làm khi đến Hà Nội. Bởi trong những chuyến đi khám phá này, du khách có thể chọn mua cho mình những món đồ lưu niệm độc đáo nhất, để tặng người thân và bạn bè.
Ở ngoại thành và các tỉnh lân cận Hà Nội có rất nhiều làng nghề truyền thống với những mặt hàng đa dạng. Du khách có thể đến các địa điểm này trong ngày bằng phương tiện như xe buýt, xe máy hoặc ôtô. Khi đến đây, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo, nổi tiếng không những ở Việt Nam, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu quanh khu vực Hà Nội dưới đây, sẽ là những gợi ý nhỏ để du khách có những chuyến đi thú vị nhất, khi đến thăm mảnh đất giàu giá trị văn hóa của Việt Nam.
- Làng gốm Bát Tràng
Nằm ở ven sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, làng gốm Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống hút khách nhất ở quanh Hà Nội. Đây là nơi chuyên sản xuất đồ gốm sứ như: ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, đồ thờ cúng… có lịch sử lâu đời từ các dòng họ Nguyễn, Trần, Lê, Vương, Phạm.
Phương tiện đến làng gốm Bát Tràng cũng khá đơn giản, du khách chỉ cần đi một tuyết xe buýt số 47 là có thể đến tận nơi và khám phá chợ gốm, các gia đình làm gốm sứ và tha hồ thử khả năng nặn gốm và cho ra những sản phẩm do chính mình làm với giá khoảng 30 – 50 nghìn đồng.
- Làng lụa Vạn Phúc
Nổi tiếng với những tấm vải lụa đẹp, mềm mại cho chất lượng tốt nhất cả nước, lụa Vạn Phúc hay còn gọi là lụa Hà Đông nằm ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cách trung tâm thành phố 10 km. Nơi đây vẫn còn giữ lại những hình ảnh làng quê truyền thống với cây đa cổ thủ, giếng nước, sân đình… và nghề dệt vải với 1000 khung dệt, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ghi chép lịch sử, lụa Vạn Phúc là những vật phẩm cao cấp chỉ dành cho vua chúa, quan lại ngày xưa. Giá trị của đồ thổ cẩm này vẫn được các nghệ nhân lưu giữ đến tận ngày nay. Khi đến tham quan làng lụa Vạn Phúc, du khách có thể mua cho mình những tấm lụa được trang trí nhiều hoa văn độc đóa, đặc biệt chất liệu vải ở đây nổi tiếng, mặc vào mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ.
- Làng rối nước Đào Thục
Múa rối nước được coi là nghệ thuật hội hè của làng xóm Việt Nam. Khu vực đồng bằng sông Hồng hiện nay có 14 làng rối nước, trong đó làng Đào Thục nổi tiếng với bề dày lịch 300 năm.
Làng rối nước Đào Thục thuộc huyện Đông Anh – Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 30 km đi về hướng cầu Long Biên. Hiện nay làng Đào Thục có khoảng 20 người tham gia hoạt động múa rối nước chính. Loại hình nghệ thuật này nhờ môi trường nước để con rối biểu diễn và giấu đi bộ máy và cách điều khiển của các nghệ nhận.
- Làng thêu Quất Động
Cách trung tâm thành phố khoảng 23 km về phía nam, làng thêu Quất Động thuộc xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội. Đây là nơi sản xuất ra những bức tranh thêu tinh tế, mang đậm bản sắc Việt Nam. Khi đến đây tham quan, du khách sẽ có thể mua những bức tranh thêm phong cảnh tuyệt đẹp, những biểu tượng của văn hóa du lịch Việt Nam như chùa Một Cột, hồ Gươm, nhà sàn Bác Hồ…
- Làng quạt Chàng Sơn
Làng quạt Chàng Sơn nằm ở huyện Thạch Thất – Hà Nội đã có lịch sử 200 năm nay. Cả làng nghề này có khoảng 1 vạn dân thì có tới 3.000 người làm nghề quạt. Các sản phẩm chính được sản xuất với nhiều mẫu mã và màu sắc đa dạng như: quạt tranh, quạt lụa, quạt giấy, quạt nan, quạt the… Du khách có thể thoải mái chọn cho mình một chiếc quạt đẹp với giá rẻ hấp dẫn.
- Làng đậu bạc Định Công
Nằm ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, làng đậu bạc Định Công nổi tiếng với những đồ trang sức làm từ sợi chỉ bạc có hình hoa lá, chim muông: dây chuyền, hoa tai, vòng tay, nhẫn, đồ trang trí lưu niệm bằng bạc…
Với 6 làng nghề truyền thống ở trên, du khách có thể đi khám phá trong ngày bằng phương tiện xe buýt và trải nghiệm vẻ đẹp của các làng nghề truyền thống và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuyệt đẹp xung quanh thành phố Hà Nội.